Lịch sử phát triển P'okp'ung-ho

Xuất phát từ sự kiện Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất vào năm 1991, khi hàng trăm chiếc xe tăng T-72 của Iraq thua đậm khi giao chiến với các khí tài của Mỹ và phương Tây như xe tăng M1 Abrams, Challenger 1, trực thăng chống tăng Apache v.v. Tuy T-72 của Iraq chỉ là phiên bản xuất khẩu bị cắt giảm tính năng song điều này vẫn gây sốc lớn cho chính quyền Bắc Triều Tiên.

Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi Nam Triều Tiên đang phát triển loại xe tăng K1 có tính năng tương tự M1 Abrams, trong khi loại tăng mới nhất của miền Bắc lúc bấy giờ, Thiên Mã Hổ thực ra chỉ là phiên bản làm lại của T-62, kiểu xe tăng còn lạc hậu hơn hẳn so với T-72. Do yêu cầu bức thiết phải hiện đại hóa lực lượng tăng thiết giáp, hoặc ít ra là rút ngắn khoảng cách đến đối phương miền Nam, CHDCND Triều Tiên phải nâng cấp Thiên Mã Hổ và chế tạo một mẫu xe tăng mới mạnh hơn, mẫu Bão Phong Hổ.

Cùng lúc đó, nền kinh tế của Nga lâm vào khủng hoảng sau khi Liên Xô tan rã, vì vậy họ không còn đủ khả năng duy trì một lực lượng tăng thiết giáp hùng hậu như xưa nữa. Hàng ngàn chiếc xe tăng Liên Xô cũ bị đưa vào trong các lò tái chế. Từ những khu tháo dỡ này, Bắc Triều Tiên đã nhận được vài chiếc T-72 còn nguyên vẹn. Sau một thời gian nghiên cứu, họ đã nắm bắt được các công nghệ dùng trong T-72. Ngoài ra, còn có nguồn tin[cần dẫn nguồn] cho rằng CHDCND Triều Tiên cũng đã tiếp nhận các công nghệ dùng trong xe tăng T-80 của Liên Xô và xe tăng Kiểu 88 của Trung Quốc. Tháng 8 năm 2001, khi lãnh tụ Kim Chính Nhật thăm Nga, ông cũng đã ghé qua nhà máy xe tăng Omsk TraskMash, nơi sản xuất xe tăng T-90S và có thể đã mua một chiếc nhằm mục đích nghiên cứu. Tất cả những điều này đã giúp đỡ Bắc Triều Tiên rất nhiều trong việc hiện đại hóa Thiên Mã Hổ và thiết kế Bão Phong Hổ.

Chiếc Bão Phong Hổ đầu tiên ra đời năm 1992 tại nhà máy Ryu Kyong-su ở Tân Hưng, tỉnh Nam Hamgyong[3]. Số lượng Bão Phong Hổ hiện nay không nhiều, dự đoán chỉ dưới 300 chiếc, nguyên do là nền kinh tế của CHDCND Triều Tiên không đủ sức cung ứng và duy trì một lượng Bão Phong Hổ đông đảo, đồng thời bản thân CHDCND Triều Tiên cũng không nắm được một số công nghệ cốt lõi trong việc chế tạo xe tăng. Các thông tin về Bão Phong Hổ được giữ tuyệt mật, và mãi đến buổi trình diễn năm 2002 thì các nước khác mới biết đến sự tồn tại của nó.